Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Bài văn khấn tứ phủ dành cho các con nhang, đệ tử và một số lưu ý

Tứ phủ công đồng là ý chỉ đến những miếu thờ các vị thần cai quản núi sông non nước của mỗi vùng, mỗi địa phương. Người ta thường đến Tứ phủ công đồng để cầu may mắn, cầu sức khỏe và cầu tình duyên. 


Vậy, bài văn khấn Tứ phủ công đồng thế nào mới đúng?


Đây là bản văn khấn tứ phủ ngắn gọn dành cho các con nhang, đệ tử khi đi lễ.  Đối với các con nhang, đệ tử đi lễ không thường xuyên thì nên sử dụng bài văn khấn tứ phủ ngắn gọn như sau:


Nam mô a di đà phật ( 3 lần )


Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư phật mười phương, mười phương chư phật.


Con lạy toàn thể chư phật, chư tiên, chư thánh.


Con lạy: ...........( tên thánh chủ bản đền. Ví dụ, đến đền Cô Chín ta khấn: Con lạy Cô Chín tối linh)


Đệ tử con tên là:............. tuổi:..........


Ngụ tại:.................................


Hôm nay, (không cần nói rõ ngày tháng làm gì - Nếu không nói thì nhà thánh không biết hay sao), Chúng con đến đây có chút hương hoa, phẩm quả, lễ mặn (chú ý dâng gì thì kêu đó nghe - không có lễ mặn mà kêu lễ mặn là phải tội đó, nên nhớ không bày lễ mặn ở cung phật) xin dâng lên các chư tiên, chư thánh để cảm tạ ơn đức của các ngài đã phù hộ độ trì cho chúng con suốt thời gian qua. Vừa qua, được sự lưu tâm độ trì của các ngài mà công việc (Nếu đã xin việc gì cụ thể mà thành công thì xin trình bày ) của con đã hanh thông vẹn tròn. Chúng con xin được cảm tạ và lễ tạ tất cả các Ngài.


Hôm nay, chúng con tới đây với tất cả lòng thành kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con các việc sau: ( Nêu cụ thể các việc cần xin, các khó khăn có thể gặp phải và có thể cả hướng định giải quyết ra sao).


Một lần nữa, thay mặt gia chung chúng con, con xin các ngài giang tay cứu giúp cho chúng con. Chúng con xin đa tạ ...( tên vị thánh bản đền) và toàn thể các chư tiên, chư thánh.
Nam mô a di dà phật (3 lần).


Một số lưu ý về bài văn khấn tứ phủ trên:


- Do các ngôi vị của nhà thánh rất nhiều chúng ta chỉ khấn: Toàn thể chư tiên, chư thánh là đủ hết cả rồi, chả sót một ai. Nên các bác cứ an tâm mà khấn.


- Ngôi đền nào cũng có một vị chủ đền nên sau khi khấn các chư tiên, chư thánh rồi thì phải khấn tên của vị thánh chủ đền. Vị thánh chủ đền là vị thánh chủ nhà của ngôi đền, còn các ngôi khác tuy quyền cao hơn cũng chỉ là khách, nên không thể không khấn tên vị thánh chủ đền được. Thử hỏi cõi dương trần mình đến nhà người ta chơi mà chả chào chủ nhà chỉ chào mỗi khách thôi thì chủ nhà sẽ hành xử với chúng ta ra sao? Khấn mà quên vị thánh chủ đền thì coi như các lời xin cầu của chúng ta là vô nghĩa, thậm chí còn nguy hại vì mình vô lễ với vị thánh chủ đền.


- Cũng lưu ý khi khấn bên cung phật thì đoạn "chư phật, cư tiên, chư thánh" thì chỉ cần khấn chư phật thôi, còn khấn bên cung thánh thì có thể khấn chư tiên, chư thánh thôi.


- Khi bắt đầu khấn thì khấn các ngôi chư phật, chư tiên, chư thánh vì ngôi cao hơn, sau đó mới đến vị thánh chủ nhà. Còn khi ra đi thì phải xin phép chủ nhà rồi mới chào các vị khách mới đúng. Thậm chí, chúng ta khấn vị thánh chủ đền rồi mới đến chư tiên, chư thánh cũng không sao. Bởi vị thánh chủ đền là chủ nhà còn các chư tiên, chư thánh chỉ là khách.


- Để khấn khi đến hay khấn chào thì nên khấn ở Ban Công Đồng hoặc ở Ban vị thánh chủ đền là được. Sau đó có thể chỉ đến vái các ban khác là được, nếu không có đủ thời gian. Tất nhiên, nếu có nhiều thời gian chúng ta có thể khấn thêm ở các ban khác.


Một số điểm lưu ý khi khấn để có ứng nghiệm được tốt nhất


- Cần quỳ lạy tốt hơn nếu có điều kiện về vị trí, chỉ đứng khi không có chỗ để ngồi. Nhà thánh không chấp nếu ta không có chỗ quỳ lạy, nhưng sẽ chấp ta nếu có chỗ mà không quỳ. Quỳ là sự thể hiện sự tôn kính mà.


- Khi khấn cần chắp tay cung kính, dồn toàn bộ tâm trí vào câu văn khấn tứ phủ. Có thể mở mắt, nhưng phải để hướng mắt vào các tượng thánh. Có thể nhắm mắt để tiện cho dồn tâm trí vào câu khấn thì trong tâm vẫn phải hướng thẳng vào cung thờ.


- Không quá nặng nề về câu chữ để sao cho lời khấn được mạch lạc, để có thể khấn bằng cả cái tâm của mình. Đây là phần quan trọng nhất trong khi khấn. Có làm được như vậy thì cây cầu tâm linh giữa người khấn với cõi tâm linh mới được kết nối. Khi đó lời khấn của mình mới được chứng. Nếu trong khi khấn mà không tâm niệm được điều này thì có khấn hay đến đâu cũng khó được chứng giám. Tuyệt đối không được mang bản in sẵn ra mà đọc. Nếu ta đọc thì cây cầu âm dương không bao giờ được kết nối.


- Nên dãi bày chi tiết cụ thể các việc mình cần xin thì càng tốt. Có như vậy, cõi âm mới biết mình vướng cái gì, mắc ở đâu, chỗ nào ngăn trở mình thì cõi âm mới có cách giải quyết cho chúng ta được. Không nên khấn chung chung không cụ thể như: Mua một bán mười, tài lắm, nhiều lộc, gặp may gặp mắn.....


- Đi lễ không quá cầu kỳ về đồ lễ vì cõi âm thường: Chứng tâm không chứng lễ. Nếu có lễ thì nên đơn sơ. Chúng ta nên dành bớt phẫn lễ để cung tiến, hay giọt dầu. Việc đó tốt hơn vì góp công của xây dựng nhà đền sẽ được nhà ngài chứng tâm nhiều hơn. Cha mẹ nào chả thương con nghèo. Vì thế, không nên đua đòi sắm lễ, đặc biệt là mã cho tốn kém mà không giúp gì cho hưng thịnh đền nhà ngài. Nhà thánh hàng năm nhận hàng vạn mã, vàng thử hỏi có dùng làm chi ở cõi đó. Lễ mã chẳng qua là thể hiện lòng tôn kính mà thôi.


- Hãy tự mình khấn thì tốt hơn vì các thầy chỉ thay mình khấn hộ nên chỉ khấn được chung chung hoặc chỉ là tên sự việc chứ không thể tả được các khúc mắc trong sụ việc như chính bản thân chúng ta. Vì vậy, khi thầy khấn xong ta nên tự khấn một mình sau, nếu không thì có thể khấn thầm ngay khi các thầy khấn chung. Lưu ý, chỉ khấn nhẩm thầm để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh. Nếu ta làm ảnh hưởng đến người xung quanh thì chính chúng ta không tôn trọng chính mình thì há chi nhà thánh còn muốn nghe chi lời trình bày của mình nữa.


- Một điểm lưu ý thêm là bà con hay có cái tật đi với thầy, khi thầy lễ cho người khác thì mình không thèm để ý. Tốt nhất là phải lắng tâm để nghe và cùng lạy tạ cho người ta. Mình không tiếp phúc cho người thì há chi người tiếp phúc cho ta. Mà với nhà thánh ai chả là con, nhà thánh không thích những kẻ chỉ biết cho chính mình mà quên đi đồng loại.


- Trong đền có nhiều cung, nếu chúng ta đến từng cung mà khấn đầy đủ, mạch lạc là điều bất khả thi bởi ngay chính chúng ta cũng sẽ mất kiên nhẫn để hướng tâm trí vào lời khấn. Vì vậy, chúng ta chỉ nên chọn một vị trí khấn đầy đủ, tốt nhất là tại Ban Công Đồng, nếu không chúng ta vào chính cung của vị thánh chủ đền, nếu không còn chỗ thì chúng ta ra bên ngoài cửa đền khấn vọng vào, còn hơn phải đứng chen chúc xô đẩy khiến chúng ta không thể nhất tâm trong suốt thời gian khấn. Như bạn đã biết khi khi tâm trí bị đứt mạch thì sợi dây âm dương tiếp nối của chúng ta với cõi âm sẽ bị gián đoạn. Tất nhiên, những điều ta khấn sẽ trở thành vô giá trị. Sau đó, chúng ta sẽ đến các cung khác vái lạy và xin cảm tạ là đủ. Lý do đơn giản là khi ta khấn vừa rồi là đã khấn các vị đó rồi. Tất nhiên, nếu thời gian cho phép chúng ta có thể tóm tắt các điều cần lễ tạ và các điều cần xin. Nên nhớ chỉ tóm tắt thôi nghe.


Xin chúc bà con đi lễ vui vẻ và gặp may nhiều may mắn. Với sự thành tâm của mình, người viết hy vọng các điều cầu xin của bà con đều được cõi trên lưu ân, giáng phúc.


LÊ HỒNG THÁI



Khám phá & Chia sẻ Bài văn khấn tứ phủ dành cho các con nhang, đệ tử và một số lưu ý tại Ngôi nhà Tâm Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét