Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Mâm Ngũ Quả Ngày Tết

Trưng Bày mâm ngũ quả trong những ngày đầu năm mới mang ý nghĩa, văn hóa cội nguồn cực kỳ độc đáo của dân Việt Ta.


Ngoài việc xem tuổi xông nhà đầu năm, thì tục lệ trưng bày mâm ngũ quả lên ban thờ gia tiên ngày tết là một trong những điều nên làm, dù ở thành thị hay nông thôn, giàu sang hay nghèo hèn, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ.


Tại sao lại là ngũ quả ? 


Ngũ (năm, là biểu tượng chung của sự sống, Ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng thờ cúng. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.


Ngũ, con số 5 là con số chỉ trung tâm. Người ta tìm thấy nó ở ngăn giữa Lạc thư. Tự dạng chữ “ngũ” nguyên thể có hình chữ thập của bốn nguyên tố, cộng với điểm trung tâm. Sau này, hai vạch song song được chêm vào đấy, tức trời và đất mà giữa chúng, âm và dương tạo nên năm nguyên tố tương tác sinh khắc của vạn vật, gọi là ngũ hành.



Theo quan niệm cổ đại phổ biến trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, thường cho rằng các quy luật phổ biến đều gộp vào con số 5. Trong Đại từ điển, “ngũ” có đến mười hai nghĩa và một ngàn một trăm bốn mươi tám từ kép ghép với nó. Phổ biến, chúng ta có ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương), ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm, ngũ tạng, ngũ kim, ngũ quan, ngũ luân, ngũ cốc,… Như vậy, số 5 là biểu hiện chung của sự sống và ở đây “ngũ quả” tự nó biểu trưng một tập thành được coi là đầy đủ của loại lễ vật dâng cúng là quả.


Đối với cư dân nông nghiệp ngũ cốc (đạo/nếp hương, lương/gạo, thúc/đậu, mạch/ lúa mì, tắc/kê) là lương thực chủ đạo và ngũ quả (trái cây nói chung) là thứ yếu. Do đó, theo Chiêm thư người ta thường quan sát sự tốt xấu của “ngũ quả” sau đây để dự đoán việc được mùa của ngũ cốc:


1) Mận chủ vào đậu;


2) Hạnh chủ về lúa mì;


3) Đào chủ vào tiểu mạch;


4) Lật (hạt dẻ) chủ vào nếp hương;


5) Tảo (táo) chủ vào lúa.


Theo sự xác tín đã trở thành tập tục phổ biến trong dân gian nên có thể “ngũ quả” nêu trên là “chuẩn” của năm thứ quả dùng làm lễ vật bởi lẽ việc dâng lễ vật nào đều có thể là cách biểu thị sự cầu mong của người dâng lễ. Ở đây, đối với người nông dân thời cổ thì điều cầu mong lớn nhất là được mùa ngũ cốc.


Gọi là mâm ngũ quả nhưng thật ra chả ai quy định là những loại quả nào, mà tùy từng địa phương với đặc trưng khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà chọn ra các loại quả để bày mâm ngũ quả.


Mâm ngũ quả đặc trưng của ba miền


Tùy theo quan niệm của từng vùng, miền, người ta sử dụng những loại quả có ý nghĩa riêng. Do điều kiện ở các khu vực sinh sống của người Việt có khác biệt nên có nhiều cách bày mâm ngũ quả khác nhau


Miền Bắc



Ở miền Bắc, trên mâm ngũ quả thường có 5 loại quả với 5 màu khác nhau, cụ thể gồm chuối/táo màu xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi, mận, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen.


Miền Trung



Ở miền Trung, người dân không quá câu nệ hình thức của mâm ngũ quả mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Mặt khác, do chịu sự giao thoa văn hóa hai miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả của người miền Trung bày biện đủ chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…


Nhìn chung mâm ngũ quả bày trên ban thờ không cần nhiều về số lượng. Tất cả chỉ cần gọn gàng và sạch sẽ, vậy là đủ.


Miền Nam



Nếu như người miền Bắc, nải chuối xanh thường ít thiếu vắng trên mâm ngũ quả thì người miền Nam lại kiêng kỵ bày một số trái cây. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hay như trái lê đồng nghĩa với “lê lết”…


Mâm ngũ quả người miền Nam thường mâm ngũ quả thường là: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, đọc chệch thành các tên “cầu vừa đủ xài” hoặc “cầu vừa đủ sung”.


Ý nghĩa từng loại trái cây trong mâm ngũ quả ngày Tết


Quả biểu tượng cho sự sung túc qua cấu tạo của nó: bên trong chứa hạt tượng trưng cho sao, quả bao lấy là Vũ trụ, ý nghĩa là sự sinh sôi trường tồn tái sinh bất tận của sự sống. Mỗi loại quả có ý nghĩa riêng qua hình dáng/cấu tạo/hương vị, màu sắc và cách đọc tên:


– Thanh long: rồng mây hội tụ


– Bưởi: phúc lộc, viên mãn


– Dưa hấu: tốt đẹp, viên mãn, trung thực


– Đu đủ: đầy đủ, thịnh vượng


– Mãng cầu: cầu chúc mọi điều như ý


– Dứa (thơm): thơm tho, đa phúc lộc


– Hồng: hồng hào, tươi tốt, tượng trưng cho sự thành đạt


– Lựu: đa phúc, đa lộc, con đàn cháu đống


– Phật thủ: bàn tay Phật che chở phù hộ cho con người


– Chuối: tượng trưng cho bàn tay ngửa, hứng lấy may mắn, bao bọc và che chở


– Dừa: viên mãn


– Xoài: tiêu xài không thiếu thốn


– Quất: sung túc, lộc lá


– Đào: sự thăng tiến, danh lợi.


Những người trẻ, cho dù tin hay không tin về ý nghĩa của từng loại quả theo những quan niệm của người dân ở từng địa phương, cũng nên lưu tâm, tránh dùng hay tặng các loại quả mà người ta kiêng kẻo bị nghĩ oan, rằng ta cố tình đem điều xui xẻo đến cho họ.


Tham khảo: 12 điều kiêng kỵ trong ngày tết âm lịch



Khám phá & Chia sẻ Mâm Ngũ Quả Ngày Tết tại Ngôi nhà Tâm Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét